Tản mạn đường trà – Chọn “pet” trang trí bàn trà như thế nào cho phù hợp?
Vật trang trí bàn trà – “trà ngoạn” là gì?
Nếu ai đã từng trang bị một bàn trà cho riêng mình, ắt hẳn sẽ dành nhiều thời gian và công phu để trang trí tỉ mỉ nhất có thể. Một phần là thể hiện thú vui tao nhã của mình, hai nữa là để hưởng thụ cảm giác thanh thản sau những giờ làm việc vất vả, mệt mỏi.
Chính vì vậy, ít người chỉ dừng lại ở việc đặt bộ ấm chén, ít trà cụ và vài ba loại trà mà mình yêu thích trên bàn. Mà còn bỏ thời gian sưu tầm những vật trang trí hay mọi người thường gọi là đồ chơi bàn trà, “pet” trà; còn Kỳ Trà Các gọi là Trà Ngoạn. “Ngoạn” ở đây theo danh từ nghĩa là đồ chơi, còn theo động từ sẽ mang nghĩa là chơi đùa.
Trà ngoạn có thể chỉ đơn giản là một bình hoa cắm những loài hoa mà gia chủ yêu thích, cũng có thể là một cây bonsai mini để trên bàn cho thêm phần sinh động, cũng có thể là những bức tượng được làm bằng đất, bằng đá thậm chí là bằng ngọc quý. Tùy vào độ chịu chi của gia chủ mà bàn trà có thể sang quý đến mức nào.
Thế nhưng, không nhiều người biết rằng, chính việc đặt Trà ngoạn trên bàn trà lại có thể ảnh hưởng, đôi khi là quyết định nguồn năng lượng tích cực hay tiêu cực cho bản thân.
Vật trưng bày cũng mang năng lượng ngũ hành
Nhiều người thích trưng bày hình tượng con Rồng (Thìn) trong nhà, với mong muốn mang đến vận may và là biểu tượng của sức mạnh và uy quyền cho gia chủ. Điều này không sai, nhưng chưa đủ.
Chưa đủ là bởi, chỉ cần trong Bát tự (năm, tháng, ngày, giờ sinh) của gia chủ có mang địa chi Thìn; hội với Thìn nằm trên bàn trà hay vật trưng bày trong phòng, lập tức tạo thành thế Tự hình Thìn – Thìn. Không những không giúp cho gia chủ thanh thản hơn khi uống trà, ngược lại điều này còn khiến gia chủ cảm thấy bế tắc, muộn phiền hơn. Có thể nói là: “Mưu sự khó thành, lòng bất đắc ý”.
Việc chọn vật trưng bày bàn trà cũng cần chú ý, khiến thân và tâm của gia chủ bất an, dễ sinh phiền nã
Hay có người lại thích đặt hình tượng con Cọp (Dần) không chỉ để thể hiện cá tính, mà còn mang ý nghĩa trấn trạch, bảo vệ cho gia chủ tránh được những điều không may. Điều này đúng mà cũng không đúng.
Bởi, nếu Bát tự của gia chủ có mang Địa chi Thân, không những tạo thành Dần – Thân tương xung, mà còn tạo nên Hình vô ơn (Dần – Tỵ – Thân). Chắc hẳn, khi ngồi uống trà ở nơi như vậy, không chỉ khiến thân và tâm của gia chủ không thể an yên mà còn dễ sinh phiền não, dần dần còn sinh ra cảm giác cô độc.
Linh tại ngã, bất linh tại ngã
Mượn một câu Kinh của nhà Phật: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”, nghĩa là linh nghiệm, ứng nghiệm hay không là do chính bản thân mình. Mọi việc là do mình có tin, có chí thành, có nhất tâm niệm hay không.
Ở đây, tác giả không phải cổ xúy mọi người, khi đặt bàn trà thì phải tìm hiểu hay mời thầy xem xem nên đặt ở đâu, trang trí vật gì để có được năng lượng tốt nhất, hưng vượng nhất cho mình mà muốn mọi người tự hỏi xem bản thân mình mong muốn điều gì nhất khi uống trà.
Là tìm một nơi an dưỡng thân tâm, hay chuốc thêm phiền não?
Là tìm nơi thanh tịnh tâm hồn, hay lại trói buộc bản thân?
Làm tìm về tự do, hay tiếp tục cuốn theo dòng xoáy?
Trong 7 lời khuyên của Khổng Tử để lại cho hậu nhân, điều đầu tiên mà ông để lại chính là “Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích”. Chỉ cần mình sống tốt, trời xanh tự an bài.
Trên đây là bài viết của Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông- Nguyễn Hữu Hồng Kỳ, Chủ tịch Kỳ Trà Các. Cảm ơn quý báo đã đăng tải bài viết trên trang doanhnhan.one