Tản Mạn Đường Trà - Trà Việt ở đâu trong chặng đường lịch sử thế giới?
Trong cuốn Hành trình tìm về cội nguồn của Hà Văn Thủy, NXB Văn học năm 2008 dẫn chứng, Khổng Tử từng dạy đồ đệ của mình: "Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước bằng thứ lá cây hái trong rừng gọi là trà." Đây là dấu chỉ đầu tiên cho thấy trà đã xuất hiện và đi vào đời sống người dân Việt từ rất sớm.
Trà Việt có từ bao giờ?
Theo nhiều công trình nghiên cứu, người Việt cổ đã biết đến trà và dùng trà như một loại thức uống trước người Hán ít nhất một khoảng thời gian khá dài. Trong những thư tịch cổ của Khổng Tử - người đặt nền móng cho Nho giáo tại Trung Quốc, người ta không thấy ông nhắc đến trà.
Thế nhưng, trong cuốn Hành trình tìm về cội nguồn của Hà Văn Thủy, NXB Văn học năm 2008 lại dẫn chứng, chính Khổng Tử từng dạy đồ đệ của mình rằng: "Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước bằng thứ lá cây hái trong rừng gọi là trà." Đây là dấu chỉ đầu tiên cho thấy trà đã xuất hiện và đi vào đời sống người dân Việt từ rất sớm.
Trà Việt khác biệt so với trà ở các đất nước khác ở chỗ, ngoài dòng trà Cung đình ra, người Việt vẫn có dòng trà dân gian, dành cho mọi tầng lớp trong xã hội, chứ không chỉ gói gọn trong giới quý tộc hay hoàng gia.
Người Việt chuộng uống trà tươi, tức là trà mới hái xuống vẫn còn nguyên hương vị của đất trời, vẫn còn đọng lại giọt sương sớm mai. Và phương pháp pha trà phải làm sao giữ được hương vị trong xanh và tươi mát đó.
Trà đối với người Việt không phải là "đạo" bởi không cần phải tuân thủ theo bất kỳ quy định nghiêm ngặt nào, cũng không mang tính hình thức phô diễn điêu luyện. Nhưng trà đối với người Việt cũng là "đạo" bởi đặc tính thanh tao mà dung dị, hòa nhã những vẫn đầy vẻ tôn nghiêm. Trà với người Việt rất đạo mà cũng rất đời.
Ở Việt Nam có nhiều loại trà khác nhau vậy nhưng để được xưng danh là cực phẩm trà xứng tầm thế giới và mang đủ giá trị tinh thần của người dân Việt thì không ai không nhớ đến trà Shan Tuyết cổ thụ Việt Nam.
Cây trà cổ thụ Việt Nam - Thủy tổ của cây trà thế giới
Khoảng một thập kỷ trước, không nhiều người Việt biết trong nước có một loại cây trà rất quý giá mà sau này nhiều nhà khoa học đã phải công nhận đây chính là thủy tổ của cây trà trên thế giới. Đó chính là cây trà cổ thụ Shan Tuyết ở vùng núi cao phía Bắc nước ta.
Những cây trà cổ thụ ở Việt Nam sinh sống ở độ cao trên 1.400m, một vài nơi lên đến 2.500m so với mực nước biển. Địa điểm nổi tiếng nhất của các quần thể này là Suối Giàng (Yên Bái), Hà Giang, Tà Xùa (Sơn La) hay một số vùng của tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang. Các nhà khoa học đã kiểm nghiệm và xác thực tại đây có những cây trà cổ thụ có tuổi đời lên đến vài trăm năm, thậm chí có cây đã được 1.000 năm tuổi.
Chiều cao trung bình của cây trà ở vùng này khoảng 5m, những cây lớn hơn có thể cao trên 10m. Đây chính là điểm khác biệt giữa cây trà cổ thụ và những cây trà thông thường khác.
Khi hái trà, người dân vùng này phải trèo lên những tán cây, tìm thế vững chắc để thu hoạch lá trà. Thậm chí, họ phải dùng những chiếc thang chơi vơi để có thể hái được những búp trà non đặc biệt nhất nằm ở ngọn cây.
Sỡ dĩ người ta gọi cây trà này là Shan Tuyết là bởi vì mọc ở vùng núi cao hàng nghìn mét, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, khi nóng thì cực kỳ gay gắt mà khi lạnh cũng vô cùng lạnh lẽo. Chính vì vậy mà tạo hóa đã hình thành lên bề mặt của lá trà một lớp lông màu trắng, mà khi nhìn từ xa rất giống tuyết đọng lại trên lá trà.
Trà Shan Tuyết cổ thụ Việt Nam được mệnh danh là "vàng xanh" của núi rừng, không chỉ nằm ở giá trị dinh dưỡng hay sức khỏe, mà Shan Tuyết cổ thụ còn mang giá trị tinh thần của người dân Việt. Đồng thời khẳng định, Việt Nam vẫn có danh trà cực phẩm xứng tầm thế giới.
Đây là bài viết của Nhà nghiên cứu văn hoá phương Đông- Nguyễn Hữu Hồng Kỳ.